×

Trợ lý Vision

Truy cập ngay
 

Dùng UPS làm kích điện có được không?

  • Trả lời câu hỏi này thì cần phải xem chiếc UPS định dùng chức năng thay cho kích điện nó như thế nào, thuộc loại gì, tính năng nào. Tuỳ thuộc vào tính năng UPS mà người ta có thể sử dụng chúng thay cho kích điện được hay không. Tôi nghĩ rằng đa phần những người có câu hỏi này là người muốn tận dụng chiếc UPS đang có sẵn để phát điện trong những thời điểm mất điện.Nếu bạn chưa biết có nhiều loại UPS khác nhau, bạn có thể xem qua  tư liệu về UPS để biết được chiếc hiện có của bạn thuộc loại gì, chất lượng của chúng như thế nào. Lưu ý rằng đa phần các UPS dùng trong máy tính, máy in và máy chủ thường được thiết kế với dạng sóng vuông hoặc mô phỏng sin (modified sine wave) bởi các dạng này phù hợp cho thiết bị điện không có tải cảm và chúng cũng cho hiệu suất cao hơn so với UPS cho ra dạng sóng sin. Chỉ có rất ít các UPS dùng cho các lĩnh vực y tế hoặc có các tải cảm (quạt, động cơ…) hay trong thiết bị có sử dụng công nghệ analog thì chúng bắt buộc phải dùng dạng sóng sin như trong điện dân dụng.Đa phần UPS công suất thấp (tầm 300-600VA) sử dụng 2 ắc quy 12V 4 đến 7Ah hoặc nhỏ hơn, như vậy năng lượng của chúng chỉ chứa được tối đa 24×7=168Wh. Với dung lượng như vậy nên đa số các UPS chỉ có thể phóng điện được trong vài phút (cho đến khoảng 30-30 phút đối với các loại UPS công suất lớn – nhưng với điều kiện dùng tải nhẹ).Đa phần các UPS loại nhỏ và giá thành thấp thường không thiết kế quá cẩn trọng để có thể nhận biết dung lượng ắc quy còn lại nên chúng được đặt sẵn cho việc phát điện trong vài phút rồi tự động tắt – cho dù dung lượng ắc quy còn lại là bao nhiêu. Thiết đặt như vậy để đảm bảo rằng ắc quy không bị sử dụng cạn kệt hoặc UPS thiếu điện để phát đủ công suất. Do có các thiết đặt này mà ngay cả việc bạn có thay thế các ắc quy bên trong bằng một bộ ắc quy ngoài có dung lượng lớn hơn nhưng kết quả là UPS vẫn chỉ làm việc với thời gian…như trước đó.

    Đối với các UPS có công suất lớn hơn (cỡ từ 1000VA trở lên) thì chúng có thể vẫn chỉ sử dụng các ắc quy 12V 7Ah nhưng được lắp ghép nhiều thêm – chẳng hạn ngoài mức 24V thì tuỳ theo công suất mà chúng còn sử dụng mức điện áp 36V, 48V, 96V hoặc cao hơn.

    Các loại UPS này có giá thành cao và được thiết kế cao cấp hơn – trong đó có chức năng ngừng cấp điện khi dung lượng ắc quy đến một ngưỡng an toàn nào đó (chứ không phải cứ tắt sau một thời gian nhất định như loại trên nữa). Mặc dù không cứng nhắc cố định thời gian ngừng cấp điện ở khoảng thời gian vài phút nhưng nhiều UPS công suất lớn vẫn thiết đặt khoảng thời gian này trong khoảng vài chục phút hoặc sau tổng thời gian nào đó mà hãng thiết kế cho rằng đã đến lúc cần phải ngừng để đảm bảo tuổi thọ cho ắc quy. Có những phiền phức này bởi người thiết kế luôn nghĩ rằng UPS chỉ dùng để dự phòng cho sự cố điện cho hệ thống trong thời gian ngắn.

    Việc sử dụng ắc quy ngoài có dung lượng lớn để thay thế các ắc quy bên trong của UPS dung lượng lớn là có thể thực hiện được nếu như đảm bảo được các điều kiện sau:

    – UPS không tự cắt điện sau vài phút hoặc vài chục phút – hoặc có thể can thiệp vào UPS để chức năng này bị vô hiệu hoá. (Một số bạn có ý kiến về việc sử dụng biện pháp bấm nút cơ học bằng rơ le – tuy nhiên cách này không triệt để bởi gây ra gián đoạn trong quá trình phát điện – việc cấp điện chập chờn như vậy có thể gây hại cho các thiết bị sử dụng).

    – Bộ phận nạp điện của UPS không bị hư hỏng (dẫn đến hư hỏng liên quan các phần mạch khác hoặc sai chức năng hoạt động) khi nạp điện với hệ thống ắc quy gắn ngoài (đa phần do bộ nạp bên trong được thiết kế với dòng nạp nhỏ để phù hợp với các ắc quy dung lượng nhỏ của chúng). Cũng có thể khắc phục hiện tượng nạp quá mức bằng cách sử dụng các bộ nạp ngoài và ngắt ắc quy khỏi UPS khi đang nạp bằng bộ nạp ngoài. Không bao giờ sử dụng đồng thời hai bộ nạp cùng một thời điểm bởi các cơ chế hoạt động của các bộ nạp sẽ bị ảnh hưởng lẫn nhau.

    Sử dụng UPS thường có một điều điều khó chịu là chúng liên tục phát tiếng kêu nhắc nhở về chế độ làm việc dự phòng.